Nhiều người bị gấu tấn công ở Nhật, một người bị mất đầu
Tỉnh Hokkaido, Nhật Bản đã ra cảnh báo về việc gấu tấn công người sau khi một ngư dân bị tấn công thiệt mạng với phần đầu lìa khỏi cổ.
Sáng ngày 14-5, ông Toshihiro Nishikawa, 54 tuổi, một ngư dân tại Nhật Bản, đã bị một con gấu tấn công và thiệt mạng tại khu vực Công viên tự nhiên Shumarinai, tỉnh Hokkaido. Cụ thể, phần đầu của ông đã được tìm thấy gần một bờ hồ trong công viên này.
Khoảng 5 giờ sáng cùng ngày, ông Nishikawa theo chân một hướng dẫn viên đến khu vực hồ trong công viên và sau đó ở lại một mình tại đây. Một số giờ sau đó, người hướng dẫn quay trở lại nhưng không thấy ông Nishikawa, trong khi con gấu nâu đang giữ một cây câu trong miệng. Hướng dẫn viên đã cố gắng liên lạc với ông Nishikawa qua điện thoại nhưng không thành công.
Ngày 15-5, cảnh sát địa phương đã tìm thấy phần đầu của ông Nishikawa. Thợ săn cũng đã tiêu diệt con gấu được trông thấy gần đó.
Việc gặp gấu và đối mặt với chúng đã được ghi nhận gia tăng trong những năm gần đây ở Nhật Bản, đặc biệt là ở vùng ngoại ô Hokkaido, nơi mà con người và gấu thường “mặt đối mặt” nhất.
Ngoài vụ án thương tâm của ông Nishikawa, gần thành phố Muroran, nhiều sự cố gặp gấu khác đã xảy ra vào cuối tuần, khiến chính quyền phải phát đi cảnh báo lần thứ hai trong năm, duy trì đến ngày 12-6.
Gần đây, cũng có báo cáo về việc gấu xuất hiện ở Sapporo, thành phố lớn nhất thuộc tỉnh Hokkaido. Tháng trước, một phụ nữ đã bị gấu tấn công khi đang dắt chó đi dạo tại thị trấn Kushiro, gây thương nặng ở chân và đầu.
“Các vụ đối đầu giữa người và gấu đang tăng lên những năm gần đây, có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này”, ông Kevin Short, một nhà tự nhiên học và giáo sư nhân văn học tại Đại học Khoa học Thông tin Tokyo, chia sẻ.
“Nguyên nhân chính có thể do quần thể gấu ở Hokkaido đã hồi phục sau nhiều năm bị săn bắn quá mức, hiện cũng có ít thợ săn gấu hơn”, ông Short nhấn mạnh. Việc giảm số lượng thợ săn khiến gấu tăng lên, cũng cho thấy chúng không còn sợ con người và dám tiến gần các khu dân cư hơn.
Gần đây, vấn đề gấu đã trở thành mối quan tâm quan trọng tại Nhật Bản, và Bộ Môi trường nước này đã triển khai một chương trình thí điểm từ tháng 1-2023, nhằm thúc đẩy sự kết nối giữa chính quyền địa phương, lực lượng cảnh sát và các tổ chức săn bắn, nhằm tạo khả năng phản ứng nhanh và hành động bằng cách bắt giữ hoặc tiêu diệt khi phát hiện gấu.
Theo số liệu, số vụ chạm chán với gấu ở Nhật Bản đã tăng từ 4.800 vụ vào năm 2009 lên 20.000 vụ vào năm 2020. Trong năm 2020, có hai người thiệt mạng và 143 người bị thương do gấu, với 40% số vụ việc xảy ra ở khu vực kề cận hoặc ngay tại các khu dân cư.
Chính quyền các thị trấn Shibecha và Akkeshi của tỉnh Hokkaido vẫn đang săn lùng một con gấu “ranh mãnh” từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Con gấu được đặt tên OSO18 đã nhiều lần tấn công các đàn bò sữa trong khu vực, giết chết 31 con bò và làm bị thương hơn 65 con khác.
Phân tích dấu chân và các hình ảnh được camera ghi nhận của OSO18 cho thấy đây là con gấu đực, khoảng 10 năm tuổi, cao khoảng 2m và nặng hơn 300kg.