Chủ tịch Vĩnh Phúc: ‘Kết quả tín nhiệm thấp với tôi quá bất thường’

Chủ tịch Vĩnh Phúc: ‘Kết quả tín nhiệm thấp với tôi quá bất thường’

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói với PV kết quả 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp ông nhận được quá bất thường so với những lần lấy phiếu trước đây.

“Tôi không bao giờ nghĩ đến kết quả như vậy. Họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng khẳng định không nghĩ đến kết quả như vậy”, ông Thành cho hay tối 15/12.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ngày 13/12, ông Lê Duy Thành có 19 phiếu tín nhiệm cao (40,43%); hai phiếu tín nhiệm (4,26%); 25 phiếu tín nhiệm thấp (53,19%).

Ông Thành có số phiếu tín nhiệm cao thấp nhất và phiếu tín nhiệm thấp nhiều nhất. Ông cũng là trường hợp duy nhất trong tỉnh nhận quá nửa số phiếu tín nhiệm thấp.

Đến thời điểm này, ông Lê Duy Thành cũng là Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên trên toàn quốc nhận được hơn 50% số phiếu tín nhiệm thấp.

Theo ông Thành, những lần lấy phiếu trước đây, ông đều đạt tín nhiệm cao, “nên kết quả tín nhiệm thấp lần này rất bất thường”. Vì vậy, các cơ quan đang xem xét đề nghị phúc tra lại kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc làm rõ vấn đề bất thường về kết quả tín nhiệm thấp của ông.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: VGP

Trong khi đó, phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND tỉnh Vĩnh Phúc sáng 15/12, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: “Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và thực hiện theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo dân chủ, minh bạch, công tâm, khách quan”.

Đọc thêm  "Squid Game 2" sẽ mang đến 'câu chuyện sâu sắc hơn' với những nhân vật và trò chơi mới

Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc chia tổ thảo luận về các vấn đề liên quan. 28 người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chấp hành Hiến pháp và pháp luật; chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm khi thực hiện nhiệm vụ được giao; kiểm điểm và đưa ra hướng khắc phục.

Theo Nghị quyết 96/2023 của Quốc hội hồi tháng 6, cán bộ có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp phải xin từ chức trong không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Nếu cán bộ không xin từ chức thì thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm (với hai mức tín nhiệm hoặc không tín nhiệm).

Người được bỏ phiếu tín nhiệm nhận được hơn 50% đánh giá không tín nhiệm thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, ông chưa nhận được thông tin về việc các cơ quan sẽ đề nghị phúc tra, nhưng khi HĐND tỉnh đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì các bước sau đó cần thực hiện theo Nghị quyết 96 của Quốc hội.

Trường hợp ông Lê Duy Thành không từ chức trong 10 ngày sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, HĐND tỉnh sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu ông Thành đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm từ 50% thì có thể được tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh; nếu ông nhận được hơn 50% phiếu không tín nhiệm, thì sẽ bị xem xét miễn nhiệm, đại biểu Trần Văn Tiến giải thích thêm quy định.

Đọc thêm  Kết quả trận Liverpool - Crystal Palace: "Lữ đoàn đỏ" kéo sập Selhust Park lên đỉnh BXH

Ông Lê Duy Thành 54 tuổi, quê Vĩnh Phúc; trình độ tiến sĩ kinh tế. Ông kinh qua nhiều chức vụ tại Vĩnh Phúc như Cục phó Cục Thuế tỉnh; Bí thư Huyện ủy Lập Thạch; Phó Bí thư Tỉnh ủy; Phó chủ tịch UBND tỉnh.

Ông Thành đã có hơn hai năm giữ vị trí Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 10/2020, khi đang làm Phó bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông được giới thiệu và bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh với 100% (47/47) số phiếu đồng ý.

Đợt lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, ông Thành lúc đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh, đứng xếp ở giữa, với 33 phiếu tín nhiệm cao (67,3); 9 tín nhiệm (18,3); 6 tín nhiệm thấp (12,2%).

Thể loại

Bình luận